Từ một loại trái cây rẻ tiền, bán không ai mua, chỉ được người dân trồng để ăn chơi hay đi biếu. Mà nay đã trở thành một loại trái cây với mức giá rất cao, đó chính là trái dừa sáp Cầu Kè - Trà Vinh
Cây Dừa sáp tuy được trồng cách đây rất lâu khoảng nữa thế kỷ. Nhưng từ 10 năm trở lại đây nó mới bắt đầu có sức hút mạnh mẽ tới người tiêu dùng bởi cái tính “lạ” của nó.
Đặc tính sản phẩm Dừa sáp.
Dừa sáp (makapuno) có hình thức ngoài trong không khác gì so với dừa thường, nhưng bên trong thì khác hoàn toàn, do hiện tượng đột biết gen, điều kiện đất, khí hậu, thời tiết… đã sản sinh ra loại Dừa có phần cơm rất dày, mềm và dẻo do 1 phần nước dừa sánh lại tạo thành. Vì thế mà phần nước của trái Dừa sáp rất ít, sền sệt, không trong như nước dừa thường và có hương thơm rất đặc trưng. Khi ăn, cơm dừa có cảm giác béo ngậy và xôm xốp. Đây chính là tính chất rất "lạ" ở quả Dừa sáp.
Phần cơm dừa dày, mềm dẻo trông như bột quánh lại, khi ăn rất thơm béo và xôm xốp.
Một điều rất đặc biệt về vùng đất trồng cây Dừa sáp. Không phải đâu đâu cũng trồng và cho ra được quả Dừa sáp lạ lẫm này. Ở Việt Nam riêng chỉ có tỉnh Trà Vinh là trồng được loại dừa này và nổi tiếng nhất đó là vùng Cầu Kè của tỉnh. Do tính chất kén chọn đất trồng mà Dừa sáp mang lại một vị thế độc tôn về sản phẩm này cho tỉnh Trà Vinh nói chung và huyện Cầu Kè nói riêng.
Dù cũng trổ bông kết trái như bao giống dừa khác nhưng trên cùng một buồng dừa sáp chỉ có vài trái là đúng nghĩa 1 trái Dừa sáp và còn lại là những quả không sáp, những quả không sáp này được dùng để ươm giống mới. Điều này làm cho Dừa sáp đã rất khó trồng mà nay còn là của hiếm trong các loài trái cây.
Phương thức nhận diện Dừa sáp.
Bên trong: Theo quy trình phát triển tự nhiên của trái dừa, khi trái còn non cơm dừa sẽ mềm, dẻo và nước ngọt, đến khi trái già thì phần cơm dày lên, cứng, nước lạt và có ga. Còn ở cây Dừa sáp, nếu chỉ thu hoạch để uống nước thì phần cơm, nước bình thường như bao trái dừa khác, nhưng nếu để qua giai đoạn lấy nước thì cơm Dừa sáp tiếp tục phát triển dày lên gần đầy khoang trống.
Nước dừa sáp sánh lại trông giống sương sa.
Bên ngoài: Nếu quan sắt bằng mắt thường, rất khó để phân biệt giữa dừa thường với Dừa sáp. Dựa vào hình dạng và màu sắc của trái dừa, người ta đã phân Dừa sáp Cầu Kè ra thành năm loại: Dừa sáp tròn, Dừa sáp dài, Dừa sáp có cạnh, Dừa sáp vỏ xanh, Dừa sáp vỏ vàng. Tuy nhiên, còn tùy vào mỗi loại mà phần cơm dừa có độ dày, mỏng khác nhau.
Phân biệt qua âm thanh:
Cách một, lột vỏ dừa - nếu là dừa thường thì khi gõ vào sẽ nghe tiếng "tưng tưng" còn Dừa sáp lại nghe "cọc cọc".
Cách hai, lắc trái dừa và nghe âm thanh: dừa sáp sẽ cho âm thanh "ục ục" (do nước dừa sệt) còn dừa thường lại nghe "óc óc".
Lạ lùng Dừa sáp Cầu kè
Sự trỗi dậy mạnh mẽ của thương hiệu Dừa sáp Cầu Kè.
Trước khi được lên ngôi như hiện nay, Dừa sáp Cầu Kè đã trải qua 1 giai đoạn chìm ẩn khá lâu. Dừa sáp được trồng khoảng vào những năm 60 của thế kỷ 20 và cho tới những năm đầu của thế kỷ 21 loại dừa này vẫn chỉ được người dân ở Cầu Kè trồng để ăn chơi hay biếu tặng, bởi nó không có giá trị kinh tế cao do bán không có thương lái nào chịu mua. Vì vậy, loài dừa này bị người dân chặt bỏ đi do chiếm diện tích mà không thu được lợi ích kinh tế. Cho đến khi người dân ở Cầu Kè bắt đầu đem Dừa sáp ra bán cho khách đến tham quan nhân dịp Vu Lan như một hình thức tận thu. Với tài chế biến của các quán nước ở đây, cùng với hương vị ngon lạ lùng của Dừa sáp mà nó đã thực sự chinh phục được thực khách và được nhiều vị khách truyền tai nhau, lâu dần trở thành “món ngon phải nếm ” cho bất kì ai khi bước chân đến với vùng đất Cầu Kè – Trà Vinh.
Thưởng thức món dừa sáp dằm sữa đá thơm phức
Từ đó, Dừa sáp Cầu Kè đã nhanh chóng trở thành một loại đặc sản, một thương hiệu trái cây nổi tiếng đem đến niềm tự hào cùng với những lợi ích kinh tế mà nó mang lại cho người dân nơi đây. Mặc dù, giá Dừa sáp cao chót vót nhưng nhờ có hương vị ngon tuyệt và độc đáo cộng với “tiếng lành đồn xa” mà khách du lịch khi đặt chân đến Trà Vinh không những muốn thưởng thức mà còn mua về biếu tặng cho người thân, gia đình, bạn bè,…
Từ lúc Dừa sáp có giá đến nay, người dân Cầu Kè vui mừng chuyền tai kháo nhau rằng cây Dừa sáp quê mình đã lên ngôi “Ông hoàng” của trái cây. Thật sự là không nói quá khi mà trên toàn đất nước Việt Nam chưa có loại trái cây nào cho ra sản phẩm có cùng trọng lượng (1,1-1,4kg) mà bán được với giá cao đến như thế. Do là của hiếm, cung không đủ cầu, mà giá của Dừa sáp liên tục tăng cao đến chóng mặt. Nếu vào năm 2005 giá Dừa sáp chỉ ở mức 40.000 – 50.000 VND thì nay đạt đến trên dưới 200.000 VND/ trái.
Sự hỗ trợ của khoa học.
Với sự hấp dẫn từ những lợi ích kinh tế mà Dừa sáp mang lại, vào năm 2006 các nhà khoa học đã nghiên cứu phát triển cây Dừa sáp trên vùng đắt xã Hòa Tân, huyện Cầu Kè. Sở Khoa học – Công nghệ Trà Vinh đã phối hợp với Trung tâm Thực nghiệm Đồng Gò (Bến Tre) nghiên cứu và thử nghiệm thành công phương pháp thụ phấn trợ lực cho cây Dừa sáp làm tăng tỷ lệ sáp trên buồng dừa. Áp dụng vào thực tế, các kỹ sư đã tiến hành phun phấn đực cho bông cái trên tất cả các cây Dừa sáp đang cho trái trên địa bàn huyện Cầu Kè.
Kỹ sư đang phun phấn cho cây Dừa sáp.
Sở Khoa học - Công nghệ Trà Vinh cũng phối hợp với Viện Nghiên cứu dầu và cây có dầu thành phố Hồ Chí Minh triển khai đề tài “Ứng dụng tiến độ kỹ thuật để xây dựng mô hình chuyên canh Dừa sáp”, hỗ trợ 20 nông dân trồng hơn 950 cây Dừa sáp trên diện tích 6ha đầu giống. Các hộ tham gia đã được cung cấp cây giống và chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc cây Dừa sáp.
Với việc nhân giống Dừa sáp bằng phương pháp cấy mô, đã cho ra một thế hệ Dừa sáp đồng nhất tính trạng và chất lượng đáp ứng nhu cầu trồng Dừa sáp của nông dân. Các nhà khoa học cũng hy vọng việc triển khai các dự án sẽ giúp nâng tỷ lệ trái sáp, mở ra triển vọng mới cho nhà vườn và huyện Cầu Kè phát huy lợi thế đặc sản, kết hợp với khai thác tiềm năng du lịch miệt vườn ở vùng ven sông Hậu.
Trong tương lai, huyện Cầu Kè sẽ trồng đại trà Dừa sáp trên mảnh đất Hòa Ân, tạo thành vùng chuyên canh cây công nghiệp có dầu và là điểm tham quan du lịch sinh thái hấp dẫn. Với việc Dừa sáp có trái quanh năm, đời sống của người trồng Dừa sẽ dần được ổn định.
Lập vùng triệu phú Dừa sáp.
Năm 2008, tỉnh Trà Vinh đã chỉ đạo huyện Cầu Kè xây dựng dự án trồng chuyên canh 50ha Dừa sáp (tương đương trồng 9.000 cây Dừa) tại xã Hòa Tân. 78 hộ nông dân, hầu hết là người dân tộc Khmer ở ấp Chông Nô 1, Chông Nô 2, Chông Nô 3 được dự án hỗ trợ 60% tiền cây giống cho nông dân và hướng dẫn khoa học kỹ thuật trồng Dừa. Nhờ đó đến nay toàn huyện Cầu Kè đã có hơn 22.000 cây Dừa sáp, trong đó xã Hòa Tân có gần 17.000 cây, khoảng 40% đã cho trái.
Anh Thạch Em ở ấp Chông Nô 1, xã Hòa Tân phấn khởi cho biết hơn 40 năm làm nghề nông, lần đầu tiên trong đời anh mới biết trồng cây dừa theo khoa học (VietGap), từ cách trồng, bón phân, chăm sóc... đều ghi chép lại vào sổ sách để rút kinh nghiệm, hướng đến sản xuất an toàn, chất lượng. Nhờ tham gia mô hình này mà giờ đây anh có vườn dừa sáp tươi tốt trồng xen chanh không hạt đang thu hoạch, bán dư tiền đầu tư cho vườn dừa.
Nhiều gia đình nông dân vốn đất vườn chỉ có 1.000 – 2.000m², nay nhờ trồng được vài chục gốc Dừa cho trái sáp đã dần thoát được cảnh nghèo. Cây Dừa sáp quả là một phép màu, biến điều không thể thành có thể. Trong tương lai không xa, bà con nông dân trồng Dừa sáp huyện Cầu Kè đều có khả năng thành triệu phú, một kỳ tích và cũng là điều lâu nay chưa ai dám nghĩ đến ở cái vùng đất phèn nhiễm mặn này…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét